Một số kinh nghiệm kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án

Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, nhằm đảm bảo việc trả lại đơn khởi kiện được thực hiện đúng theo trình tự thủ tục quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Quan thực hiện nghiên túc kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án theo quy định pháp luật. Đã kiểm sát 19/19 thông báo trả lại đơn khởi kiện (từ năm 2016 đến tháng 5/2020), lý do Tòa án trả lại đơn khởi kiện chủ yếu là do người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ hoặc có sửa đổi, bổ sung nhưng không đủ hoặc không theo yêu cầu của Tòa án. Qua kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án đảm bảo đúng quy định pháp luật, không có trường hợp nào Viện kiểm sát phải thực hiện quyền kiến nghị. 

      Qua thực tiễn kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Quan có một số kinh nghiệm như sau:

      Một là: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi được phân công thực hiện công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan, kiểm sát chặt chẽ căn cứ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015; Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Khi kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện kiểm sát theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lập hồ sơ kiểm sát và phiếu kiểm sát theo Điều 8 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

      Hai là: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công phải cập nhật theo dõi đầy đủ các thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án (lưu ý ghi đầy đủ các tiêu chí như: Họ tên người khởi kiện; người yêu cầu; ngày, tháng, năm Tòa án nhận đơn khởi kiện; số, ngày, tháng, năm Tòa án ra quyết định trả lại đơn khởi kiện; Lý do trả lại đơn khởi kiện; ngày, tháng, năm Viện kiểm sát nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án… và các vi phạm trong việc trả lại đơn của Tòa án).

     Ba là: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công kiểm sát phải nghiên cứu lý do trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Trường hợp lý do trả lại đơn khởi kiện là do đã quá thời hạn ghi trong Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà người khởi kiện không sửa đổi bổ sung, tài liệu chứng cứ hoặc có sửa đổi, bổ sung nhưng không đủ hoặc không đúng yêu cầu của Tòa án thì cần chú ý: Xác định theo căn cứ của pháp luật tố tụng và nội dung thì những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung là có căn cứ hay không? Trường hợp thiếu thì có thể thụ lý để giải quyết thì có đúng quy định pháp luật hay không? Việc Tòa án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung tài liệu, chứng cứ có hợp lý không, bởi nhiều trường hợp Tòa án yêu cầu bổ sung những chứng cứ mà người khởi kiện không thể nào bổ sung được (ví dụ: trường hợp tài liệu, chứng cứ đang thuộc sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, người khởi kiện không thể nào nào cung cấp cho Tòa án được mà chỉ trong quá trình giải quyết vụ án sau khi Tòa án thụ lý đương sự mới có thể yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ đối với những chứng cứ không thể tự mình thu thập được).